Vận Hành Thử Nghiệm Công Trình Xử Lý Nước Thải

Cập nhật: 27-11-2024||Lượt xem: 122
Vận hành thử nghiệm công trình xử lý nước thải là một quy trình quan trọng, đảm bảo công trình xử lý nước thải hoạt động đúng quy chuẩn trước khi đưa vào vận hành chính thức. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các quy định liên quan đến vấn đề này nhé!

1. Cơ sở pháp lý

Cơ sở pháp lý để vận hành thử nghiệm công trình xử lý nước thải ở Việt Nam dựa trên các quy định pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo việc vận hành tuân thủ các quy chuẩn môi trường và pháp luật. Dưới đây là một số văn bản quan trọng:
  • Luật BVMT số 72/2020/QH14;
    Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ;
    Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Đối tượng cần vận hành thử nghiệm công trình xử lý nước thải

Căn cứ Điều 46 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về công trình bảo vệ môi trường và vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư sau khi được cấp giấy phép môi trường như sau:1. Công trình bảo vệ môi trường của dự án đầu tư bao gồm:
a) Công trình xử lý chất thải là công trình, thiết bị xử lý nước thải, bụi, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại;
b) Công trình thu gom, lưu giữ chất thải rắn là công trình, thiết bị thu gom, lưu giữ chất thải rắn thông thường, chất thải rắn y tế, chất thải rắn nguy hại để đáp ứng yêu cầu phân loại, thu gom, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, vận chuyển chất thải rắn đến địa điểm xử lý hoặc tái sử dụng, tái chế;
c) Công trình bảo vệ môi trường khác.
2. Chủ dự án đầu tư có công trình xử lý chất thải quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, sau khi được cấp giấy phép môi trường, phải thực hiện vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải đồng thời với quá trình vận hành thử nghiệm toàn bộ dự án đầu tư hoặc cho từng phân kỳ đầu tư của dự án (nếu có) hoặc cho hạng mục công trình xử lý chất thải độc lập của dự án để đánh giá sự phù hợp và đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
3. Trong quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, chủ dự án đầu tư phải tuân thủ yêu cầu về bảo vệ môi trường theo giấy phép môi trường và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
4. Đối với dự án đầu tư có thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại hoặc có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, trước khi kết thúc vận hành thử nghiệm 45 ngày, chủ dự án đầu tư phải gửi báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của dự án. Cơ quan cấp giấy phép môi trường có trách nhiệm kiểm tra và quyết định việc điều chỉnh loại, khối lượng chất thải nguy hại được phép xử lý hoặc khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Các dự án sau khi hoàn thành công trình và được cấp Giấy phép Môi trường phải tiến hành vận hành thử nghiệm

3. Công trình xử lý chất thải không phải thực hiện vận hành thử nghiệm

Theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 08/2022/NĐ-CP thì công trình xử lý chất thải không phải thực hiện vận hành thử nghiệm, bao gồm:
  • Hồ lắng của dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đá vôi;
  • Hồ sự cố của hệ thống xử lý nước thải (trừ hồ sự cố kết hợp hồ sinh học);
  • Hệ thống thoát bụi, khí thải đối với các trường hợp không yêu cầu có hệ thống xử lý bụi, khí thải, bao gồm cả hệ thống kiểm soát khí thải lò hơi sử dụng nhiên liệu là khí gas, dầu DO; hệ thống xử lý khí thải lò hỏa táng;
  • Công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ theo quy định tại khoản 3 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường 2020 (bao gồm cả bể tự hoại, bể tách mỡ nước thải nhà ăn và các công trình, thiết bị hợp khối đáp ứng yêu cầu theo quy định);
  • Hệ thống xử lý nước làm mát có sử dụng Clo hoặc hóa chất khử trùng để diệt vi sinh vật;
  • Công trình xử lý chất thải của dự án mở rộng, nâng cao công suất nhưng không có thay đổi so với giấy phép môi trường đã cấp;
  • Công trình xử lý chất thải của các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020 khi đề nghị cấp điều chỉnh giấy phép môi trường;
  • Công trình xử lý chất thải của cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp khi đề nghị cấp lại giấy phép môi trường nhưng không có thay đổi so với giấy phép môi trường thành phần hoặc giấy phép môi trường đã cấp.

4. Các bước vận hành thử nghiệm công trình xử lý nước thải

Bước 1. Lập và nộp thông báo vận hành thử nghiệm

Chủ dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 39 Nghị định 08/2022/NĐ-CP thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm công trình, hạng mục công trình xử lý chất thải của dự án cho cơ quan cấp giấy phép môi trường trước ít nhất 10 ngày kể từ ngày vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải để theo dõi, giám sát; trường hợp cơ quan cấp giấy phép môi trường là Bộ Tài nguyên và Môi trường thì phải gửi thêm cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh để phối hợp, kiểm tra, giám sát việc thực hiện (Khoản 5 Điều 31 Nghị định 08/2022/NĐ-CP).
Văn bản thông báo vận hành thử nghiệm thực hiện theo mẫu số 43 kèm theo Phụ lục của Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.

Bước 2. Lấy mẫu vận hành thử nghiệm đối với chất thải (nước thải; bụi, khí thải)

Quan trắc chất thải trong quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án, cơ sở được quy định tại khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT như sau:
  • Đối với dự án, cơ sở thuộc đối tượng quy định tại Cột 3 Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP thì thực hiện quan trắc chất thải theo 02 giai đoạn gồm giai đoạn điều chỉnh hiệu quả và giai đoạn vận hành ổn định.
  • Giai đoạn điều chỉnh: Thời gian đánh giá trong giai đoạn điều chỉnh hiệu quả của từng công trình, thiết bị xử lý nước thải, bụi, khí thải ít nhất là 75 ngày kể từ ngày bắt đầu vận hành thử nghiệm. Tần suất và thông số quan trắc được quy định như sau: tần suất quan trắc nước thải, bụi, khí thải tối thiểu là 15 ngày/lần (đo đạc, lấy và phân tích mẫu tổ hợp đầu vào (nếu có) và mẫu tổ hợp đầu ra); thông số quan trắc thực hiện theo giấy phép môi trường.
  • Giai đoạn vận hành ổn định: Thời gian đánh giá hiệu quả trong giai đoạn vận hành ổn định các công trình, thiết bị xử lý nước thải, bụi, khí thải ít nhất là 07 ngày liên tiếp sau giai đoạn điều chỉnh quy định tại điểm b khoản này; trường hợp bất khả kháng không thể đo đạc, lấy và phân tích mẫu liên tiếp thì phải thực hiện đo đạc, lấy và phân tích mẫu sang ngày kế tiếp. Tần suất và thông số quan trắc được quy định như sau: tần suất quan trắc nước thải, bụi, khí thải ít nhất là 01 ngày/lần (đo đạc, lấy và phân tích mẫu đơn hoặc mẫu được lấy bằng thiết bị lấy mẫu liên tục trước khi xả, thải ra ngoài môi trường của công trình, thiết bị xử lý bụi, khí thải); thông số quan trắc thực hiện theo giấy phép môi trường.
  • Đối với các dự án không thuộc trường hợp quy định tại Cột 3 Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, việc quan trắc chất thải do chủ dự án đầu tư, cơ sở tự quyết định nhưng phải bảo đảm quan trắc ít nhất 03 mẫu đơn trong 03 ngày liên tiếp của giai đoạn vận hành ổn định các công trình xử lý chất thải.
(Điều 21 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT).

Bước 3. Cơ quan cấp giấy phép môi trường thành lập đoàn kiểm tra thực tế trong quá trình VNTH và tiến hành đo đạc, phân tích mẫu chất thải xả ra môi trường

Cơ quan cấp Giấy phép môi trường thành lập đoàn kiểm tra thực tế trong quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 46 Luật Bảo vệ môi trường hoặc cử cán bộ, công chức kiểm tra thực tế quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư đối với các trường hợp khác; tiến hành đo đạc, lấy và phân tích mẫu chất thải xả ra môi trường.
Trường hợp chất thải xả ra môi trường không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải, xử lý hoặc chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định và yêu cầu chủ dự án đầu tư phải thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 8 Điều 31 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; tiếp tục tổ chức đo đạc, lấy và phân tích mẫu chất thải xả ra môi trường trong quá trình vận hành thử nghiệm lại của chủ dự án đầu tư.
(Điểm b, Khoản 10, Điều 31 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).

Bước 4. Nộp báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm cho cơ quan cấp Giấy phép môi trường

Chủ dự án đầu tư hoặc cơ sở tự đánh giá hoặc thuê tổ chức có đủ năng lực đánh giá hiệu quả xử lý của các công trình xử lý chất thải của dự án; tổng hợp, đánh giá số liệu quan trắc chất thải, phân định chất thải và lập báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, gửi cơ quan cấp giấy phép môi trường trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 46 Luật Bảo vệ môi trường; trường hợp cơ quan cấp giấy phép môi trường là Bộ Tài nguyên và Môi trường thì chủ dự án đầu tư gửi thêm cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh (Điểm đ, khoản 7, Điều 31 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).
Mẫu báo cáo vận hành thử nghiệm được thực hiện theo mẫu Phụ lục XV kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP

Bước 5. Cơ quan cấp giấy phép môi trường

Thông báo hoàn thành vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, cho phép đưa vào vận hành chính thức.
Tổng hợp các bước vận hành thử nghiệp công trình xử lý nước thải

5. Vận hành thử nghiệm trong bao lâu?

Căn cứ khoản 6 Điều 31 Nghị định 08/2022/NĐ-CP thì thời gian vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải được tính từ thời điểm bắt đầu vận hành thử nghiệm được quy định như sau:
  • Từ 03 đến 06 tháng đối với trường hợp dự án là khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và dự án đầu tư thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với công suất lớn quy định tại Cột 3 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP
  • Thời gian vận hành thử nghiệm không quá 06 tháng đối với các dự án khác do chủ dự án đầu tư quyết định và tự chịu trách nhiệm và phải bảo đảm đánh giá được hiệu quả của công trình xử lý chất thải theo quy định
  • Trường hợp phải gia hạn quá trình vận hành thử nghiệm, chủ dự án đầu tư phải có văn bản thông báo, nêu rõ lý do gia hạn và thời gian gia hạn không quá 06 tháng. Đối với các dự án đầu tư có quy mô lớn, đầu tư theo từng giai đoạn, thời gian vận hành có thể được kéo dài theo quy định của cơ quan cấp phép.
Việc tuân thủ đúng các quy định pháp lý và quy trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý nước thải giúp đảm bảo chất lượng công trình, bảo vệ môi trường và tránh các rủi ro không đáng có. Đối với các chủ đầu tư, việc thực hiện đầy đủ các bước kiểm tra và thử nghiệm không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là trách nhiệm trong việc bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng.
Giải pháp Môi trường Đại Nam cung cấp dịch vụ hỗ trợ quý khách thực hiện vận hành thử nghiệm công trình xử lý nước thải. Quý khách có thể liên hệ Giải pháp môi trường Đại Nam qua số hotline 0909 378 796 hoặc email info@dainam-enviro.com để được tư vấn và giải đáp mọi thắc mắc nhé!

THÔNG TIN LIÊN HỆ